TỔ NGỮ VĂN -TIẾNG ANH TỔ CHỨC DẠY THỰC NGHIỆM GIỜ DẠY SINH HOẠT CHUYÊN MÔN THÁNG 10
Lượt xem:
Với mục tiêu nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ chuyên môn tại nhà trường; tạo điều kiện để giáo viên giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, từ đó đẩy mạnh hoạt động đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học, đẩy mạnh sử dụng các kĩ thuật dạy học tích cực vào giảng dạy.
Nội dung buổi sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học lần này được thông qua và tiến hành từ ngày 29/9/2024. Tổ/nhóm chuyên môn đã tổ chức sinh hoạt chuyên môn để chọn bài dạy, xây dựng kế hoạch bài dạy minh họa và cùng thảo luận hoàn chỉnh kế hoạch bài dạy. Sau 2 tuần chuẩn bị, sáng ngày 26/10/2024 tổ chuyên môn đã tổ chức dự giờ tiết dạy minh họa để rút kinh nghiệm đối với môn Ngữ Văn và môn Tiếng Anh, cụ thể:
Môn Ngữ văn: Thực hành đọc hiểu “Loạn đến nơi rồi” (Trích “Mùa hè ở biển”) của Xuân Trình.
Môn Tiếng Anh: Shopping (Unit 3, lesson 2.1)
Buổi sinh hoạt chuyên môn diễn ra nghiêm túc, hiệu quả. Trên cơ sở sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học lần này, tổ/nhóm chuyên môn định hướng chung về xây dựng kế hoạch bài dạy, tổ chức các hoạt động học tập cho học sinh phù hợp thực tế của nhà trường. Thời gian tới, hàng tháng sẽ tiếp tục tổ chức sinh hoạt chuyên môn nghiên cứu bài học. Việc dự giờ, thăm lớp của giáo viên được thực hiện theo kế hoạch sinh hoạt chuyên môn của tổ/nhóm chuyên môn.
GV và HS lớp 10B2 trong giờ thực nghiệm Tiếng Anh
Hướng dẫn học sinh thảo luận và thực hiện nhiệm vụ môn Tiếng Anh
GV và HS lớp 12C2 trong giờ thực nghiệm môn Ngữ văn
Học sinh trình bày sản phẩm nhóm môn Ngữ văn
CÁC BƯỚC SINH HOẠT CHUYÊN MÔN NGHIÊN CỨU BÀI HỌC
Bước 1. Xây dựng bài học minh họa
– Tổ chuyên môn thảo luận, thống nhất lựa chọn bài học minh họa căn cứ vào mục đích cụ thể của buổi sinh hoạt chuyên môn. Việc lựa chọn giáo viên dạy học minh họa cần đảm bảo các giáo viên trong tổ chuyên môn đều lần lượt tham gia. Khuyến khích giáo viên tự nguyện đăng ký dạy học minh họa.
– Giáo viên dạy học minh họa nghiên cứu chương trình môn học, kế hoạch dạy học môn học, sách giáo khoa và tài liệu dạy học liên quan, phối hợp với các giáo viên khác trong tổ chuyên môn để xây dựng bài học minh họa. Việc xây dựng bài học minh họa cần đảm bảo xác định rõ yêu cầu cần đạt của bài học. Căn cứ vào yêu cầu cần đạt của bài học, giáo viên có thể chủ động, linh hoạt điều chỉnh nội dung, thời lượng, đồ dùng dạy học, phương pháp và kỹ thuật dạy học, đánh giá quá trình học tập của học sinh,… cho phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện dạy học, phù hợp với việc hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Bước 2. Tổ chức dạy học minh họa và dự giờ
Trên cơ sở bài học minh họa đã được xây dựng, giáo viên thực hiện dạy học để tổ chuyên môn dự giờ, phân tích bài học. Khi dự giờ, cần tập trung quan sát hoạt động học của học sinh kết hợp với việc quan sát hoạt động tổ chức, hướng dẫn học của giáo viên theo các yêu cầu sau:
– Chuyển giao nhiệm vụ học tập: nhiệm vụ học tập rõ ràng và phù hợp với khả năng của học sinh, thể hiện ở yêu cầu về sản phẩm mà học sinh phải hoàn thành khi thực hiện nhiệm vụ; hình thức giao nhiệm vụ sinh động, hấp dẫn, kích thích được hứng thú nhận thức của học sinh; đảm bảo cho tất cả học sinh tiếp nhận và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
– Thực hiện nhiệm vụ học tập: khuyến khích học sinh hợp tác, giúp đỡ nhau khi thực hiện nhiệm vụ học tập; phát hiện kịp thời những khó khăn của học sinh và có biện pháp hỗ trợ kịp thời, phù hợp, hiệu quả; không có học sinh bị “bỏ quên”.
– Trình bày kết quả và thảo luận: hình thức trình bày kết quả thực hiện nhiệm vụ phù hợp với nội dung học tập và kỹ thuật dạy học tích cực được sử dụng; khuyến khích cho học sinh trao đổi, thảo luận với nhau về nội dung học tập; xử lý những tình huống sư phạm nảy sinh một cách hợp lý.
– Nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập: nhận xét về quá trình thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh; phân tích, nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và những ý kiến trao đổi, thảo luận của học sinh nhằm giúp học sinh có hứng thú, niềm tin trong học tập, cải thiện được kết quả học tập; chính xác hóa các kiến thức mà học sinh đã học được thông qua hoạt động.
Trong quá trình tổ chức dạy học và dự giờ, khuyến khích giáo viên dự giờ quan sát, ghi chép kết hợp với ghi hình hoạt động học của học sinh để sử dụng khi phân tích bài học, nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động dạy học của giáo viên và học sinh.
Bước 3. Phân tích bài học
Toàn trường hoặc tổ chuyên môn tổ chức trao đổi, chia sẻ, tập trung vào các nội dung:
+ Hoạt động học của học sinh: khả năng tiếp nhận và mức độ “sẵn sàng” thực hiện nhiệm vụ học tập của tất cả học sinh trong lớp; sự tích cực, chủ động, sáng tạo, hợp tác của học sinh trong việc thực hiện các nhiệm vụ học tập; sự tích cực của học sinh trong trình bày, trao đổi, thảo luận về kết quả, sản phẩm học tập; sự chính xác, phù hợp của kết quả, sản phẩm học tập; thái độ và cảm xúc của học sinh trong từng hoạt động.
+ Tổ chức hoạt động học cho học sinh: cách thức chuyển giao nhiệm vụ học tập; cách quan sát, theo dõi, phát hiện những khó khăn của học sinh; biện pháp hỗ trợ, khuyến khích học sinh tự học, hợp tác; việc phân tích, nhận xét kết quả hoạt động, quá trình học tập của học sinh.
+ Một số nguyên nhân tác động đến hoạt động học của học sinh: kế hoạch bài học (yêu cầu cần đạt, đồ dùng dạy học, các hoạt động học,…); sự tương tác giữa học sinh với học sinh, học sinh với giáo viên, giáo viên với học sinh; tâm lý, sinh lý học sinh; không khí lớp học,…
Bước 4. Vận dụng kết quả sinh hoạt chuyên môn vào bài học hàng ngày
Dựa trên kết quả phân tích bài học và những điều đã quan sát, học tập được qua dự giờ, các giáo viên chủ động, sáng tạo áp dụng vào các bài học hàng ngày.